Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Giác Ngộ



Giác Ngộ

"Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?"... Lời thách thức này của Tin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của người đồng loại.

Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ... Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris. Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.

Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.

Năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất... Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức, tại một hải đảo cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn.

Danh vọng, tiền tài, ngay cả sức khỏe... tất cả đều được đốt cháy để tìm được niềm vui đích thực cho tâm hồn và mang niềm vui đó đến với mọi người: đó là sứ điệp mà thánh Phanxicô Xaviê đã để lại cho tất cả chúng ta...
"Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột"... Có lẽ người ta thường dùng câu nói trên đây không những để nói lên tính cách tương đới của đau khổ, mà còn để nói lên ngay cả sự tương đới của hạnh phúc.
Sau những tháng năm ăn độn, ăn rau, những người nghèo có thể hớn hở reo vui khi được bữa cơm trắng với chút thịt cá. Sau những tháng năm tù đày, một người vừa mới được phóng thích sẽ reo hò sung sướng khi được đi lại tự do, khi được thở không khí trong lành...
Những người giàu có, ngày nào cũng yến tiệc linh đình sẽ thèm khát đôi chút cá kho, mắm cà của người nghèo khổ... Những đứa trẻ giàu có ở đô thị có lẽ sẽ thèm khát những giây phút được cưỡi trâu hay tắm ao của những chú bé nghèo ở nhà quê...

Tựu trung, vấn đề cơ bản nhất của con người vẫn là đi tìm hạnh phúc. Và cuối cùng, sau những miệt mài tìm kiếm, ai cũng nhận thấy rằng mình sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu trên trần gian này. Kẻ đứng ở núi này sẽ luôn nhìn sang núi nọ...
Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta một bí quyết của hạnh Phúc: Ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất và ai mất mạng sống mình vì Ta sẽ gặp lại... Chỉ có một niềm vui đích thực đó là sống trọn vẹn cho Chúa. Chỉ có một điều quan trọng nhất trong cuộc sống: đó là lắng nghe lời Chúa.
Trích sách Lẽ Sống.

ALLELUIA:   Is 55, 6
Alleluia, alleluia! - Hãy tìm kiếm Chúa khi còn gặp được Người; hãy kêu xin Người lúc Người còn gần các ngươi. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 9, 35 - 10, 1. 6-8
"Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

   Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: "Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".


MÙ ĐƯỢC SÁNG





Loại mù nào cũng gây đau khổ, nhưng mù đức tin thì khổ nhất. 
Thực vậy :
Mù con mắt xác thịt vẫn còn nhờ cây gậy để mò mẫm bước đi, dù chậm chạp.
Mù chữ, dễ bị người khác gạt gẫm nên phải lệ thuộc vào người biết chữ.
Thầy thuốc mù (lầm lẫn thuốc), giết thân xác bệnh nhân.
Mù tư tưởng, như chủ thuyết vô thần giết chết cả bao thế hệ.
Mù tôn giáo : tự tiêu diệt hồn xác mình và lôi kéo nhiều người xuống hỏa ngục !

Năm 1974, ông Jacques Lebreton được 78 tuổi, mới được Đức Giám mục địa phận Beauvais nước Pháp truyền chức Phó tế cho.
Người ta thắc mắc :
- Trước đây ông là một đảng viên cộng sản vô thần, vì một tai nạn xe hơi, ông đã bị cụt hai tay, và mù cả hai mắt ! Chức Phó tế cần phải đọc sách mới có khả năng giảng. Mắt đâu? Cần rửa tội cho người ta. Tay đâu? Thế thì truyền chức Phó tế cho ông để làm gì ?!

Đức Giám mục trả lời :
Jacques Lebreton còn trái tim.

Quả thực, sau khi lãnh Phó tế, thầy Jacques Lebreton đã giảng mỗi năm khoảng 200 bài Thánh Kinh trong các trường đại học, được rất nhiều sinh viên ca tụng.
Tâm tình của thầy Jacques Lebreton rất giống tâm tình của thánh Phaolô : “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, tự ý làm việc ấy thì tôi có công, còn nếu ngoài ý tôi, thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi !” (1 Cr 9,16-17).

Tôi có sự thật về Đức Kitô, thì không ai bịt miệng tôi được! (2Cr 11,10)

Cảnh đui mù nào cũng làm cho người ta khổ, nhưng khốn nạn, độc ác nhất là mù Đức Tin. Vì mù Đức Tin mới nảy sinh bạo chúa làm khổ cả loài người, chúng dùng lời nói mà làm cho người ta bị kết tội, làm cho người xử án tại cửa công mắc bẫy! Chúng dùng lời lẽ vô căn cứ làm cho người công chính bị gạt ra ngoài (Is 29,19-21 : Bài đọc).

Chỉ có những ai vào Nhà Chúa là Hội Thánh Đức Kitô để được tham dự tiệc Thánh Lễ, đón nhận được Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh. Người như thế mới chắc chắn được Chúa mở mắt Đức Tin, làm phấn khởi nhảy múa vui mừng, hơn hai người mù vào tận nhà Đức Giêsu để được Ngài đặt tay mở mắt cho, để cất lời ca tụng Thiên Chúa không ai bịt miệng được! (x Mt 9,27-31 : Tin Mừng ; Is 29,17-19 : Bài đọc).

(http://phaolomoi.net).

Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH.

ALLELUIA: Is 45, 8
Alleluia, alleluia! - Hỡi các tầng trời, hãy đổ sương mai; hỡi ngàn mây, hãy mưa Đấng Công Chính, đất hãy mở ra và trổ sinh Đấng Cứu Chuộc. - Alleluia.


 PHÚC ÂM: Mt 9, 27-31
"Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa lành".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi Con vua Đavít, xin thương chúng tôi". Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: "Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?" Họ thưa: "Lạy Thầy, có". Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: "Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy". Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: "Coi chừng, đừng cho ai biết". Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy. 

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

NHỜ HAI CON MẮT

NHỜ HAI CON MẮT


Nhờ hai con mắt, con người hòa nhịp được với thế giới, thưởng thức được muôn hình vạn trạng của vũ trụ bao la xinh đẹp này. Hai con mắt khép lại là kể như đi dần trong cô đơn. Cảm nghiệm được nỗi bất hạnh của mình, hai người mù vừa lẽo đẽo theo Ðức Giêsu vừa van xin Ngài: "Lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót chúng con".

Ý thức được nỗi khốn cùng của mình là bước khởi đầu nền tảng để đáng được Thiên Chúa xót thương. Càng thấy mình bất lực, càng cậy dựa vào Thiên Chúa. Ðiều quan trọng là chúng ta biết bám chặt vào Chúa và xin Chúa chữa lành tâm hồn chúng ta.

Chúa Giêsu chữa lành hai người mù khi họ tin tưởng kêu xin Chúa. Phép lạ chữa hai người mù nằm trong trình thuật ghi lại các phép lạ Đức Giêsu làm, minh chứng người là Đấng Kitô Thiên Chúa sai đến.

"Lạy con vua Đavít": Hai người mù bày tỏ lòng tin vào Đức Giêsu như Đấng Cứu thế dòng dõi Đavít mà Thiên Chúa hứa cho dân Người, để xin Ngài thương cứu giúp. Họ kêu xin lần thứ nhất lúc Chúa đang trên đường: Ngài không trả lời. Thái độ yên lặng của Đức Giêsu là một thử thách đức tin cho họ. Nhưng họ đã chứng tỏ một đức tin mạnh mẽ khi kiên trì theo Ngài về nhà. Đức Giêsu đòi những người mù phải tuyên xưng niềm tin của mình vào Ngài một cách công khai. Không thấy Đức Giêsu bằng mắt, nhưng họ đã thấy bằng đức tin, nên đã kiên trì và tuyên xưng cách vững vàng.

Mù lòa thể xác ai cũng biết, nhưng mù lòa tâm hồn thì không dễ nhận ra. Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong ánh sáng của Chúa người ta mới thực sự nhìn thấy ánh sáng. Mùa Vọng nhắc cho ta: Chúa Kitô đã đến để cứu độ ta. Tôi có đến với Chúa Giêsu để xin Người mở con mắt đức tin, xóa cảnh mù lòa để tôi thấy Chúa hiện diện trong mọi sự, để tôn vinh, cảm tạ, lắng nghe và cầu xin với Người?

Chúa Cha vì yêu thương đã gửi Chúa Con đến với chúng ta
       Chúa Cha đã gửi Người Con Ngài hằng yêu dấu, Người Con duy nhất đến với chúng ta. Ngài ban cho chúng ta Đấng là niềm vui tình yêu cùa Ngài đến muôn thuở muôn đời. Chúa Con Giêsu chỉ cho chúng ta thấy nẻo đường trở về, ánh sáng cùa chân lý và sự viên mãn cùa cuộc sống. Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta, ơn tha thứ của Chúa Cha: "Tội của con được tha", và con đường trở về "Hãy đi và đừng phạm tội nữa!" Nhưng trên thập giá, tất cả đươc thốt lên thành lời: "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc mình làm." Chúa Giêsu đã mang lấy toàn cõi nhân loại của chúng ta, lịch sử của người khởi từ Ađam đầu tiên cho đến Ađam cuối cùng. Người không những đã mang lấy bóng tối, những tối tăm, bạo lực và những yếu hèn của chúng ta mà còn cả những khát vọng sâu xa về công lý, hoà bình và tình yêu Thiên Chúa. Chúa Giê su đã gánh vác mọi sự và dâng lên Chúa Cha ‘’ Lạy Cha!’’. Chỉ có Ngưới mớicó thế kêu lên như thế, vì Người là Chúa Con... 

Thiên Chúa đã chứng tỏ cho ta thấy tình phụ tử của Ngài bằng cách ban cho ta Chúa con Chịu chết và phục sinh vì chúng ta. Nhưng chưa phải chỉ có thế. Ngài còn minh chứng ơn tha thứ bằng cách ban Thánh Thần cho chúng ta! Chính Thần Khí Chúa cho chúng ta được sống nơi Đức Kitô, Người Con đưa ta đến thẳng Chúa Cha. Nếu không có Chúa Thánh Thần chúng ta không thể nhận biết được Chúa Cha và Chúa Con... Chúa Thánh Thần đưa ta vào một Mầu nhiệm lớn lao. Chúa Thánh Thần sẽ cho ta sống trong Đức Kitô, còn Người, chỉ sống trong Chúa.

Xin Chúa mở con mắt đức tin của Chúa con để chúng con thấy được sự hiện diện của Chúa trong mọi người. Amen.

(http://tinmung.net/THIENCHUA/Suyniemmoingay/SuyniemmoingayINDEX.htm)


Phúc Âm: Mt 9, 27-31

"Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa lành".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.


Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi". Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: "Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?" Họ thưa: "Lạy Thầy, có". Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: "Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy". Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: "Coi chừng, đừng cho ai biết". Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy.





LÒNG NHÂN HẬU


Rao giảng về lòng nhân hậu


   Ông Giêsu ấy, Người đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời của Charles de Foucauld, biến ông trở thành một linh mục thừa sai ở vùng sa mạc Sahara. Ông biết rằng Người thuộc về mọi người và mọi người đều có quyền biết Người đặc biệt là những người cách xa ánh hào quang ca Người nhất Trong cuộc trờ lại, ông đã gặp gỡ Chúa qua sự cảm thông thầm lặng và lòng nhân hậu kín đáo của những người sống quanh ông thế nào, thì cũng chính bởi "lòng nhân hu" của Người mà ông đã được đặc ân làm chng cho "Trái tim Cực Thánh" ấy. Charles de Foucauld đã ghi lại lời khuyên cùa viện phụ Huvelin, vị linh mục linh hướng của mình:" Sứ mạng rao giảng cùa con phải là rao giảng về lòng nhân hậu" Khi người ta Trông thấy con, họ phải nói rằng: "Bởi vì người này quá tốt lành nên đạo của ông ta hẳn cũng tốt" ...Con muốn nình tốt đủ để thiên hạ bảo: "Nếu người tôi tớ đã tốt dường ấy thì Ông Ch còn tốt đến đâu nữa!" Đđến với mỗi người và mọi người bằng lòng nhân hậu, Charles ước ao được nhìn thấy Đức Giêsu trong thân phận con người, mỗi con người là một sự hiện diện ca Chúa Giêsu cũng cụ th như sự hiện diện cùa Người trong Bí tích Thánh Th... Ông đặc biệt ưu tiên cho những phương thức  Chúa Giêsu đã làm trong cuộc sống n dật của Người và trong những lần Người "hạ mình" cho đến mức tự hiến bản thân mình nơi Thập giá.
   
     Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn xưng mình là Kitô hữu, là người thuộc về Chúa, nhưng trong cuộc sống, chúng con lại xa lạ lời của Chúa. Chính vì thế, những cam go của cuộc đời đã làm cho chúng con bị chao đảo, ngã gục. Xin cho chúng con một nghị lực để can đảm thi hành ý Chúa, nhờ đó chúng con mới tìm được sự bình an, niềm hạnh phúc đích thực. Amen.

Phúc Âm: Mt 7, 21. 24-27
"Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

      Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, "Lạy Chúa, lạy Chúa!", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời.
"Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".


NHƯ MỘT SỰ TÌNH CỜ -


NHƯ MỘT SỰ TÌNH CỜ



Như một sự tình cờ, lúc đang đi dọc theo bờ hồ Galilê, Đức Giêsu thấy bóng dáng các anh đánh cá quen thuộc.Hẳn họ đã có lần nghe Ngài giảng và thấy Ngài chữa lành bệnh nhân.Đức Giêsu yên lặng nhìn các anh làm việc. Họ đang quăng lưới bắt cá hay ngồi trong khoang vá lưới với cha. Cảnh tượng rất đời thường và ấm áp. Đẹp biết mấy chuyện con người làm việc chung với nhau.Sau này họ sẽ biết cách làm việc với nhau trên con thuyền Giáo Hội. 

Chúa Giêsu hôm nay cũng thấy tôi.Tôi thế nào, Ngài thấy tôi thế ấy. Cái nhìn của Ngài không làm tôi bị tê liệt, nhưng cho tôi tự do.Ngài chấp nhận trọn vẹn con người tôi, cả tội lỗi và yếu đuối. Chẳng cần son phấn, tôi thu hút Ngài bằng cái mộc mạc của tôi.Ngài gặp tôi hôm nay lúc tôi đang mải mê làm một việc gì đó. Ngài gặp tôi giữa cái vất vả kiếm sống của đời thường. Hạnh phúc cho người nào được thấy Thiên Chúa               (Mt 5, 8),và cũng thật hạnh phúc cho người nào được Thiên Chúa thấy.“Các anh hãy theo tôi”: đây là một lời mời dành cho mọi Kitô hữu. Ơn gọi Kitô hữu khởi đi từ tiếng gọi của Thầy Giêsu. Người Do Thái thường tầm sư học đạo, còn ở đây, chính Thầy Giêsu đi chọn môn đệ cho mình (Ga 15, 16). Ngài mời ta đi theo chính con người của Ngài, chứ không phải theo một lý tưởng cao đẹp hay một dự án hấp dẫn.“Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới con người.”Một cuộc đổi đời thực sự, từ lưới cá đến lưới con người. Con người của mọi dân tộc là mối bận tâm của Thiên Chúa.Theo Chúa Giêsu là chia sẻ nỗi thao thức của Ngài về nhân loại, và đồng lao cộng khổ với Ngài trong sứ mạng cứu độ thế giới. 

Simon và Anrê đã bỏ chài lưới, Giacôbê và Gioan bỏ thuyền và cha.Sự từ bỏ nào cũng gây ít nhiều xót xa đau đớn. Biển cả, sóng nước, thuyền bè, lưới cá, người cha, người vợ: biết bao giá trị phải bỏ lại, những người tôi đã và vẫn còn yêu mến.Từ bỏ chỉ khả thi nếu tôi gặp một giá trị cao hơn, một tình yêu lớn hơn. Chúa không đòi mọi người phải sống đời tu, nhưng đòi phải từ bỏ mình. Từ bỏ đơn giản là đặt Thiên Chúa lên trên mọi thụ tạo khác,là chọn Giêsu trong giây phút hiện tại, là đón lấy cái bấp bênh. Bốn anh ngư phủ đã lên bờ để đi theo một ông thợ mộc bỏ nghề. Đời họ đã sang một trang mới. Hôm nay Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi như một sự tình cờ. Ngài vẫn thấy, vẫn gọi, để tôi bỏ và đi theo. Không thấy và gọi, thì cũng chẳng ai từ bỏ và đi theo. Tiến trình này được lặp lại nhiều lần, làm nên hành trình Kitô hữu. Hôm nay tôi mong theo Chúa hơn hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay.


     Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng co bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con, để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

     Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen.


ALLELUIA: Ga 9, 19

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các ngươi hãy theo Ta; Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 4, 18-22

"Các ông bỏ lưới mà đi theo Người".

         Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Đi xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.




Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI BÉ MỌN - 29-11-2016.

DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI BÉ MỌN


" Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Đấng nào, ngoài Chúa Con và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!."
Sống kết hợp là đỉnh cao của yêu thương, hiệp thông, làm nên sự hiệp nhất. Tuy nhiên, chính “cái tôi” lại luôn tạo nên khoảng cách, tách rời chính mình với Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có sự “tự hủy” nhờ Thánh Thần làm nên trong ta, mới giúp ta đạt tới sự kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, và trong Thiên Chúa, ta mới có khả năng sống kết hợp với mọi người trong tình yêu của Ngài.
Cần phải xóa bỏ “cái tôi” bề ngoài của mình thì “Cái Tôi” đích thực của ta trong Chúa mới hiển hiện. Đây chính là kinh nghiệm về trạng thái kết hợp với Chúa của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Khi không còn lo thể hiện “cái tôi” riêng tư của mình nữa, ta mới lo thể hiện ý Chúa, để Ngài sống và hành động trong ta.
Trong sự kết hiệp với Thiên Chúa, ngụ ngôn sau đây trong Ấn Độ giáo có một ý nghĩa sâu xa:
Xưa có một linh hồn tu nhiều kiếp đến gõ cửa Thiên Đàng. Thượng Đế hỏi:
-  Ai đó?
- Linh hồn trả lời:  Con.
- Thượng Đế hỏi lại: Con là ai?
- Linh hồn đáp:  Con là con.
- Thượng Đế nói: Ở đây không đủ chỗ cho Ta và con cùng ở, con hãy đi nơi khác!
- Linh hồn ấy trở lại trần gian tu luyện thêm 1000 năm nữa, sau đó lên trời gõ cửa lại. Thượng Đế hỏi: Ai đó?
- Linh hồn trả lời:  Con.
- Thượng Đế hỏi lại: Con là ai?
- Linh hồn đáp:  Con là Ngài.
- Thế là cửa Thiên Đàng mở ra cho linh hồn ấy vào.
Dụ ngôn trên dưới cái nhìn của Kitô giáo, muốn nhấn mạnh rằng: để kết hợp với Thiên Chúa, con người phải xóa mình đi, đừng quan trọng hóa bản thân mình nữa. Lúc ấy, “cái tôi” bên ngoài như bị mất cái vỏ che chắn, chỉ còn cái cốt tủy bên trong là chính sự hiện diện của Thiên Chúa, làm nên “cái tôi” đích thực của mình.
Đối với tha nhân cũng thế, khi ta đã xóa mình hoàn toàn, thì tự động ta có khả năng nối kết tất cả mọi người trong sự kết hợp hài hòa, để đưa tất cả vào tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Chính thánh Inhaxiô đã mạnh mẽ khẳng định rằng: dấu chỉ đích thực của mức trưởng thành thiêng liêng không phải là kinh nguyện thể thức, cũng chẳng phải là cầu nguyện chiêm niệm, nhưng là từ bỏ chính mình (x. LT 189). Thánh nhân hiểu từ bỏ chính mình trước hết là hớn hở tiếp nhận những nhọc nhằn và thử thách, vì tùng phục cũng như vì bác ái, để nói lên lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Có từ bỏ "cái tôi" vị kỷ, tự tôn, tự đại - con người mới trở nên nhỏ bé trước Chúa và đón nhận được Ngài - Như kinh nghiệm về trạng thái kết hợp với Chúa của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Khi không còn lo thể hiện “cái tôi” riêng tư của mình nữa, ta mới lo thể hiện ý Chúa, để Ngài sống và hành động trong ta.
-           Hoan lạc (chara): từ này trong tiếng Hy Lạp dùng để diễn tả niềm vui sâu xa trong Chúa (Tv 30,11; Rm 14,17; 15,13). Đó là niềm vui được sống kết hợp với Thiên Chúa, hòa hợp với bản thân, tương hợp với tha nhân, dung hợp với thiên nhiên. Đó là sự sống tươi mới từng ngày bừng lên trong tâm hồn do Thánh Thần mang lại. Và đó là tâm trạng Hoan Lạc bởi Thánh Thần Tác Động nơi Chúa Giê-su. Người đã từ bỏ tất cả chính mình, Ngôi Vị của mình, trở nên tùy thuộc hoàn toàn ý muốn Chúa Cha.
Hạnh phúc thay những kẻ trở nên bé mọn, sống tùy thuộc vào Chúa, vì "Ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy." - đó cũng là thông điệp Chúa Giê-su ban cho ta hôm nay - Amen.



PHÚC ÂM: Lc 10, 21-24
"Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Đấng nào, ngoài Chúa Con và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!"

Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem thấy điều các con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem thấy những điều các con thấy, mà chẳng được thấy, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe". 

PHẢI BIẾT TIN, NUÔI HY VỌNG VÀO CHÚA - 28-11-2016.

              Với Thiên Chúa,Ta phải biết nuôi hy vọng,              
dù ta chẳng đáng, xứng.


Alan Platon là một nhà văn Nam Phi, tác giả một quyển sách nhan đề Cry the Beloved Country trong đó ông mô tả hoàn cảnh khốn khổ của nước Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc apartheid. Platon có một giấc mơ: ông mơ có một ngày mà mọi người dân trong đất nước của ông đều được đối xử công bình và bình đẳng. Và để thực hiện giấc mơ ấy, ông đã lao mình vào chính trị, đấu tranh suốt mấy mươi năm để xoá bỏ chế độ apartheid ấy. Nhiều người cho rằng mơ ước và việc làm của Platon là không thể nào thực hiện được. Nhưng ông vẫn kiên trì vì tin rằng ngày mơ ước ấy sẽ đến. Chỉ tiếc là ông đã chết trước khi thấy được ngày đó, nhưng lịch sử chứng minh rằng ông đã đúng.

Ngôn sứ Isaia còn có một giấc mơ táo bạo hơn nữa: Ông mơ tới ngày các nước sẽ không còn tuốt gươm chém giết lẫn nhau nữa, người ta sẽ lấy gươm rèn thành lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm, và mọi người sẽ bước đi trong ánh sáng của Chúa. Thật là một giấc mơ tuyệt vời! Có người cho rằng giấc mơ ấy sẽ đến khi Ðấng Messia đến. Người khác cho rằng nó chỉ sẽ đến khi Ðấng Messia lại đến lần thứ hai. Có kẻ nói nó sẽ chẳng bao giờ đến, đó chỉ là nằm mơ giữa ban ngày. Nhưng vẫn có người tin rằng thế nào nó cũng đến nên miệt mài theo đuổi như Alan Platon trong chuyện trên.

Một chuyện khác: Một người thợ săn nghe nói tới một con chim đặc biệt có đôi cánh rộng màu trắng rực rỡ. Ðó là con chim đẹp nhất trong các loài chim trên mặt đất. Vì thế người thợ săn không quản ngại đường xa, trèo đồi vượt suối đi tìm nó hết ngày này sang ngày khác, tháng này đến tháng nọ, năm này đến năm kia. Một lần anh đã may mắn thấy được bóng dáng nó ở một khoảng cách rất xa. Nhưng chỉ thoáng thấy là nó bay đi mất. Anh vẫn kiên trì đi tìm. Một ngày kia anh nhặt được một cọng lông trắng của nó. Rồi anh chết đi mà không bao giờ bắt được con chim mơ ước của mình.
Cuộc săn tìm của người thợ săn là hình ảnh của loài người tìm kiếm hòa bình. Giấc mơ toàn thế giới vui hưởng thái bình của Isaia có thể không thực hiện được nhưng nó không chỉ đơn thuần là nằm mơ giữa ban ngày, mà giống như một ngọn núi mà ta mơ có ngày sẽ đứng trên đó. Dĩ nhiên muốn thế thì ta không thể cứ ngồi một chỗ mà mơ, hoặc ước chi nó từ trên trời hạ thấp xuống tận chân ta. Ta phải leo, phải có chương trình và kiên trì làm theo chương trình ấy, cho dù có chậm chạp và lâu dài.
Ngay cả khi giấc mơ thái bình ấy sẽ không bao giờ được thực hiện trọn vẹn trên toàn thế giới đi nữa, thì việc theo đuổi giấc mơ ấy cũng có ảnh hưởng tốt trên đời ta. Ðiều quan trọng không phải là đạt được mục đích mà là sống có mục đích. Nhiều khi, có một mục đích tốt cho đời mình thì kể như đủ, miễn là không bao giờ ta bỏ mục đích ấy.

Thế giới ngày nay nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ có thể làm được hầu như mọi điều, nhưng lại bất lực không tạo ra hòa bình được: bất hòa khắp nơi, trên bình diện lớn như nước này với nước nọ, dân này với dân nọ; hoặc trên bình diện nhỏ như nhóm này với nhóm kia, người này với người khác. Mỗi kitô hữu có thể góp phần mình vào việc thực hiện giấc mơ thái bình của Isaia, bằng những cố gắng xoá bỏ óc kỳ thị, sự đố kỵ, ích kỷ, chia rẻ nhau...; bằng cách gieo rắc hòa thuận, cảm thông, hợp tác...
Chúng ta cũng nên biết rằng chúng ta không cô đơn trong những cố gắng ấy, mà có Chúa giúp ta: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi sai Con Một của Ngài đến ở với loài người chúng ta, thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian này, và cùng đồng hành với chúng ta trong nỗ lực leo lên đỉnh núi thái bình.

 "Ðây là lúc chúng ta phải thức dậy"
Lời Thánh Phaolô trong bài đọc II làm cho chúng ta giật mình. Phải chăng chúng ta đang ngủ vùi?
Ðúng vậy, dù mắt chúng ta vẫn mở nhưng thực sự chúng ta đang ngủ trong bóng tối mịt mù:
- Chúng ta ngủ vì "những việc làm đen tối"
- Chúng ta ngủ vì cứ "chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng"
- Chúng ta ngủ vì lòng đầy "tranh chấp đố kỵ"
- Chúng ta ngủ vì chỉ "lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt".
Nhưng Thánh Phaolô nhắc nhở rằng: "Ðêm sắp tàn, ngày gần đến" và "Giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo", vậy "Ðây là lúc chúng ta phải thức dậy".
- "Hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày"
- Hãy "cầm lấy khí giới của sự sáng" để chiến đấu chống lại những sức mạnh của tối tăm tội lỗi.
- Hãy cởi bỏ con người cũ thiên về những dục vọng xác thịt để "mang lấy Ðức Giêsu Kitô".

Hai người, hai số phận
"Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi".
Ðức Giêsu chỉ nói tình trạng như thế thôi chứ không nói rõ lý do tại sao. Tuy nhiên chúng ta có thể biết lý do qua câu chuyện Ngài kể về thời ông Nôe: Ông Nôe chính là người được tiếp nhận, nhờ ông đã tỉnh táo nghe được lời Chúa báo sắp có nạn Hồng thuỷ, và ông đã tích cực chuẩn bị đóng tàu. Còn mọi người khác là những kẻ bị bỏ rơi, vì họ chẳng để ý tới việc gì khác ngoài cuộc sống vật chất, "ăn uống, dựng vợ gả chồng". Những bận tâm đó đã chiếm hết tâm trí họ rồi, còn tâm trí đâu mà để ý đến lời Chúa. Giả như ông Nôe có kể lại cho họ nghe lời cảnh báo của Chúa thì họ cũng không tin và còn cho là chuyện viễn vông, không thiết thực như chuyện "ăn uống, dựng vợ gả chồng".
Trong cuộc sống của chúng ta, giữa những bề bộn lo lắng về vật chất, thế tục, Lời Chúa vẫn vang lên để nhắc chúng ta phải biết quan tâm đến nhiều việc khác thuộc phương diện tinh thần, phương diện siêu nhiên, phương diện đời đời... Ai tỉnh táo thì nghe được và sẽ "được tiếp nhận", kẻ nào mãi thờ ơ thì như "đàn gãy tai trâu" và sẽ "bị bỏ lại".

Chúa cấm con thất vọng
* Hãy cố gắng, dù yếu đuối ngã sa, con hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã quỵ, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế (ÐHV 971)
Cha Charles de Foucauld có để lại mấy giòng sau đây. Ðọc kỹ, con sẽ thấy phấn khởi tâm hồn và lấy lại được niềm tin, nhất là những lúc hầu như con thất vọng:
- "Dù con xấu xa, dù con tội lỗi, con cũng trông cậy vững chắc rằng con sẽ được lên trời. Chúa cấm con thất vọng về điều đó".
- "Dù con bội bạc cách mấy, khô khan cách mấy, hèn nhát cách mấy, lợi dụng ơn Chúa cách mấy. Chúa cũng vẫn bắt con phải hy vọng được sống đời đời dưới chân Chúa trong tình thương và sự thánh thiện".
- "Chúa cấm con ngã lòng trước sự khốn nạn của con. Chúa không cho con nói 'Tôi không thể đi tới được, đường lên trời khó khăn quá, tôi phải thụt lùi và trở xuống chỗ thấp'"
- "Trước những sa ngã trở đi trở lại của con, Chúa lại cấm không cho con nói: 'Tôi không hề sửa mình được, tôi không có sức để nên thánh, tôi không xứng đáng để vào thiên đàng...'"
- "Vậy Chúa muốn con phải trông cậy Chúa luôn, vì Chúa ra lệnh và vì con phải tin ở tình thương và quyền năng của Chúa" (ÐHY NVT, Trên đường lữ hành)

 Thức dậy
Ở Mêhicô, giáo phận của Ðức Cha Samuel Ruiz có tới 80% giáo dân là người da đỏ bản xứ. Bản thân ngài nổi tiếng là người bênh vực cho dân da đỏ. Nhưng không phải tự nhiên mà ngài làm được việc đó đâu. Trong một buổi nói chuyện ở Nhà thờ Chính tòa Westminster Mùa Chay 1996, ngài đã thố lộ tâm sự như sau: "Suốt 20 năm làm giám mục giáo phận này, tôi như một con cá đang ngủ, nghĩa là mắt vẫn mở nhưng chẳng thấy gì. Tôi còn hãnh diện vì giáo phận có nhiều nhà thờ và giáo dân đông đúc. Rồi một hôm tôi gặp cảnh một người da đỏ bị trói vào một thân cây và bị ông chủ dùng roi quất túi bụi vì lý do người này không chịu làm thêm 8 giờ phụ trội nữa." Chính cái biến cố đó đã làm cho Ðức Cha Samuel Ruiz "thức dậy". Từ đó trở đi, ngài hăng hái tranh đấu cho quyền lợi người da đỏ.
Chuyện trên cho ta thấy hai điều: 1/ Thiên Chúa có nhiều cách để kêu gọi người ta thức dậy; 2/ Và cũng có nhiều cách thức dậy: thức dậy về thể xác (thôi ngủ), thức dậy về xã hội, thức dậy về đạo đức v.v.





PHÚC ÂM: Mt 8, 5-11
"Nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!" Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng". 
ÔNG TRUMAN PHẢI CHẾT 
VÌ KHÔNG CHỊU NGHE LỜI CẢNH BÁO.

* Núi lửa Mount St. Helen bắt đầu chuyển động từ ngày 25 tháng 3 năm 1980. Triệu chứng ngày càng rõ rệt, và gia tăng trong suốt tháng Tư đến giữa tháng Năm. Các nhà chuyên môn cho biết núi lửa này đã phun cách đây 175 năm.
Các viên chức của bang Washington cảnh cáo mọi người phải đi xa vùng núi lửa và vùng phụ cận. Dù thế ông Harry A. Truman (trùng tên chứ không phải tổng thống Truman) vẫn từ chối không chịu rời khỏi Spirit Lake, trên đường đi lên ngọn núi lửa,vì ông nói rằng: “ tôi sẽ sống sau khi ngọn núi lửa nổ”.
Lúc 8:35; sáng Chúa Nhật 18.5, một tiếng nổ long trời lở đất, nghe xa đến 230 cây số, những cột khói và đá nổ tung lên trên không cao đến 14 cây số, bụi tro làm mù mịt cả bang Washington, những đám dung nham chảy xuống như nước lụt, làm 70 người đã chết, trong đó có ông già Truman vì không chịu nghe lời cảnh cáo.
Chắc chắn Chúa Cứu Thế sẽ trở lại. Bạn đang có thái độ, cách sống thế nào chờ ngày Chúa trở lại?
• Người tín hữu là con cái ánh sáng:
“11 Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo.12 Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. 13 Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. 14 Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.” ( Rm 13, 11- 14) .
Kinh thánh đã nói về sự Chúa Con giáng sinh, việc đó đã xảy ra. Kinh thánh đã nói về sự chịu nạn, chịu chết của Chúa Kitô Giêsu điều này cũng đã xảy đến. Kinh thánh đã nói về sự Phục sinh của Chúa Kitô, điều này cũng đã xảy ra. Kinh thánh đã nói về sự thăng thiên của Chúa, điều này cũng đã xảy đến. Kinh thánh nói về sự Chúa sẽ trở lại, điều này chưa xảy ra, nhưng Chúa đã nói như sau: - " 12 "Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc mình làm." ( Khải-huyền 22, 12 ).
* Nếu ta Tin, sống vâng phục theo Lời Đức Kiô : “28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” - (Lc 21, 28).
• “32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” - ( Lc 21, 32 - 33).
Chúa ơi, xin giúp con học và sống thực thi với Lời Ngài để trước những mối đe dọa sai lệch đức tin hay gian truân, khó khăn, nguy hiểm đến con vẫn vững lòng tin cậy duy nhất nơi Ngài, sẵn lòng chấp nhận đi theo con đường Chúa đã đi, không bao giờ rời xa, chia cách khỏi Hội Thánh Công Giáo Tông truyền duy nhất của Chúa; vốn dĩ là Thành trì cưu mang - dạy dỗ và bảo vệ con; hầu cho con lãnh nhận được ơn Cứu độ của Chúa. Lạy Chúa Kitô Giêsu, Xin bảo vệ con và Hội Thánh của Chúa trong vinh quang chiến thắng sự chết của Chúa - cho đến khi chúng con được thuộc về Chúa trên nước Thiên đàng Chúa ngự - Amen.



PHÚC ÂM: Mt 24, 37-44
"Hãy tỉnh thức để sẵn sàng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.

"Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến". 

THỨC TỈNH MỌI LÚC MỌI NƠI - 26-11-2016.

THỨC TỈNH MỌI LÚC MỌI NƠI

Tỉnh thức là một đề tài không dễ cho tất cả mọi người. Nếu chỉ bàn riêng về vấn đề tỉnh thức thể xác thì dễ nhưng nói thêm về tỉnh thức tâm linh thì khó vô cùng.

Tỉnh thức thể xác đã rất khó rồi vì con người được sinh ra để làm việc, sinh hoạt vào ban ngày, ban đêm là thời gian dành cho nghỉ ngơi, thư giãn và hồi sức. Vấn nạn này có thể nhìn thấy, điều khiển được nhưng để có được tâm linh tỉnh thức thì rất khó. Nếu như ai đó biết được rằng, tâm hồn mình luôn luôn tỉnh thức thì người đó đã vượt thắng và làm chủ được chính mình.

Thế nào là một tâm hồn có tâm linh tỉnh thức? Đó là tâm hồn luôn luôn lắng nghe và nhận ra tiếng Thiên Chúa nói với mình trong mọi hoàn cảnh sống. Lắng nghe, nhận ra và thực hành Lời Chúa, đó là người có một tâm linh hoàn toàn tỉnh thức.

Tin mừng đã cho chúng ta thấy rất rõ mặc khải của Đức Giêsu về cuộc sống đời sau, ngày mà Thiên Chúa quang lâm ngự đến lần thứ hai để xét xử địa cầu này. Nhân loại thời nào cũng sống trong tâm thức loại trừ ngày tận thế. Chính vì vậy mà họ bỏ ngoài tai tất cả những lời cảnh báo của Đức Giêsu. Ngày đó là ngày nào, không ai trong chúng ta có thể biết đến, thế nhưng có một điều được biết cách chắc chắn rằng: ngày Thiên Chúa ngự đến lần thứ hai là có thật. Khổ nỗi, chẳng mấy ai trong thiên hạ chấp nhận nó cả.

“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” (Mt 24, 42) Đức Giêsu không cho chúng ta biết ngày quang lâm là ngày nào, nhưng Ngài đã khẳng định rõ ràng chúng ta phải canh thức và sẵn sàng để bất cứ khi nào Thiên Chúa đến chúng ta cũng có thể nghênh đón. Như vậy để có thể canh thức và sẵn sàng nhất định phải có tâm hồn tín thác và từ bỏ, tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa. Sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi giá trị trần thế để bước đi theo Ngài bất cứ khi nào Ngài muốn. Có được như vậy nhất định phải buông tay từ bỏ mọi quyền rũ của cải thế trần và tậm hồn luôn hướng về Đấng, về nơi mà mình trông đợi.

Nếu như sống ở đây mà tâm hồn nơi khác, nếu như sống ở trần thế mà tâm hồn hướng về trời cao thì quá dễ rồi. Thực lòng mà nói, nếu cứ phải vò võ chờ đợi, trông mong một điều gì đó, con người sẽ chết lần chết mòn vì đợi chờ thật. Nhưng vì đây là điều ta chờ đợi trong niềm hy vọng, cái đích mà chúng ta đợi chờ là có thật chứ không phải là sự chờ đợi trong vô vọng.

Nếu như đã có niềm hy vọng, thì chờ đợi của người Kytô hữu, sự chờ đợi của người chờ ngày Thiên Chúa quang lâm không phải là một khoảng thời gian đau khổ, tuyệt vọng, nhưng đó phải là thời gian của niềm vui và tin tưởng, hạnh phúc.

Ai cũng biết chính vì niềm đam mê của cải vật chất trần thế đã làm lu mờ tâm trí nhân loại để họ không thể tỉnh thức, chờ đợi Đấng cứu tinh của mình. Lúc này, chính của cải vật chất là cứu tinh của họ. Cho nên, chỉ có thể khiến họ tỉnh thức bằng niềm tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa mà thôi. Nếu như không tin ở Thiên Chúa, nếu như không yêu mến Ngài, thì làm sao có thể tỉnh thức mà chờ đợi Ngài được.

Người ta chỉ có thể chờ nhau, đợi nhau khi họ thực sự yêu nhau mà thôi. Chẳng ai chờ một người chẳng bao giờ xuất hiện, người ta chẳng bao giờ đợi một tình yêu không bao giờ có thật. Yêu là yêu cụ thể một ai đó, chờ là đợi rõ rệt một người nào đó, một người có thật. Như vậy, Thiên Chúa là Người đã hứa xuất hiện, chắc chắn Ngài sẽ đến. Chúng ta nhất định không chờ đợi trong hoài bão, không hề uổng công chút nào đâu.
     Lạy Chúa, Ngài dạy con phải canh thức và sẵn sàng. Canh thức nhiều khi có nhưng sẵn sàng lúc có lúc không. Đó chỉ là sự tỉnh thức của thể xác, còn tinh thần thì làm sao đây? Ước gì con có thể canh thức thật và sẵn sàng thật, để bất cứ lúc nào Ngài đến, con cũng chẳng phải lo lắng, khiếp đảm điều gì, trái lại còn hân hoan vui mừng chờ đón Chúa. Xin giúp con, can đảm bước ra khỏi vũng lầy đam mê tiền bạc, vật chất, để mà sẵn sàng chờ đón Ngài mọi lúc mọi nơi.
M. Hoàng Thị Thùy Trang.



PHÚC ÂM: Lc 21, 34-36
"Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!".